Khi xu hướng sinh sống tại chung cư ngày càng phổ biến tại các đô thị lớn, an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trở thành yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết. Một hệ thống PCCC đầy đủ, đạt chuẩn không chỉ đảm bảo an toàn cho cư dân mà còn là yếu tố để công trình được phép đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ về các tiêu chuẩn PCCC cần thiết trong chung cư, hoặc cách tự kiểm tra môi trường sống mình có an toàn hay không. Bài viết này sẽ giúp bạn nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn an toàn PCCC ở chung cư, từ quy định pháp luật đến những việc cư dân cần chủ động thực hiện.
.png)
Vì sao tiêu chuẩn an toàn PCCC ở chung cư lại quan trọng?
Thực trạng cháy nổ tại các chung cư hiện nay
Chỉ trong vòng vài năm gần đây, hàng loạt vụ cháy xảy ra tại các tòa nhà cao tầng đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Một số vụ việc điển hình như cháy chung cư Carina Plaza (TP.HCM, năm 2018) hay vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội năm 2023 khiến nhiều người thương vong. Nguyên nhân không chỉ nằm ở việc hệ thống PCCC không đạt tiêu chuẩn mà còn do ý thức cư dân còn hạn chế, thiếu kỹ năng thoát hiểm và xử lý tình huống.
Cháy chung cư có mức độ nguy hiểm cao hơn nhà đất thông thường là do mật độ cư dân đông, không gian khép kín và hệ thống thang thoát hiểm khó khăn. Điều này càng cho thấy việc đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC ở chung cư là vấn đề quan trọng.
Tầm quan trọng của tiêu chuẩn PCCC trong vận hành chung cư
Tiêu chuẩn PCCC trong vận hành chung cư đóng vai trò như một "tấm khiên" bảo vệ toàn bộ cư dân trước những rủi ro cháy nổ bất ngờ. Một tòa nhà chung cư có hệ thống PCCC đạt chuẩn sẽ giúp phát hiện sớm sự cố, khoanh vùng đám cháy kịp thời, hỗ trợ cư dân thoát hiểm an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng xử lý. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn phòng chống cháy nổ còn giúp chủ đầu tư, ban quản lý tránh được rủi ro pháp lý khi xảy ra tai nạn. Đây là lý do vì sao ngay cả trong giai đoạn chọn mua hay thuê căn hộ, người dân cũng nên ưu tiên các chung cư có hệ thống PCCC hoàn chỉnh và minh bạch.
Quy định pháp luật về PCCC trong chung cư hiện nay
Các văn bản pháp luật hiện hành
Pháp luật Việt Nam đã ban hành nhiều quy định cụ thể nhằm đảm bảo an toàn PCCC trong các công trình dân dụng, đặc biệt là chung cư. Một số văn bản quan trọng gồm:
- Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi 2013) là nền tảng pháp lý cơ bản.
- Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về điều kiện PCCC
- Thông tư 147/2020/TT-BCA hướng dẫn kiểm định, nghiệm thu hệ thống PCCC trong công trình xây dựng, đã tạo nên một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ
- Ngoài ra, các tiêu chuẩn Việt Nam như TCVN 3890:2009 hay TCVN 2622:1995 cũng quy định rõ các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế và vận hành hệ thống PCCC.
Các yêu cầu bắt buộc theo tiêu chuẩn PCCC
Để được đưa vào sử dụng, mỗi tòa nhà chung cư bắt buộc phải được nghiệm thu hệ thống PCCC bởi cơ quan công an có thẩm quyền. Hệ thống này cần bao gồm đầy đủ các thiết bị cảnh báo cháy, chữa cháy, thoát hiểm, được lắp đặt đúng kỹ thuật và còn hoạt động tốt.
Các căn hộ, hành lang, khu vực công cộng đều phải có bình chữa cháy, hệ thống báo khói, báo nhiệt. Ngoài ra, chung cư cần có ít nhất hai lối thoát hiểm, đèn chiếu sáng sự cố và các lối đi thông thoáng nhằm đảm bảo rằng trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào, cư dân cũng đều có thể thoát hiểm nhanh chóng và rời đi an toàn.
Hệ thống PCCC trong chung cư cần có những gì?
Thiết bị cảnh báo và chữa cháy bắt buộc
Một hệ thống PCCC đạt chuẩn trong chung cư phải bao gồm các thiết bị cơ bản sau:
- Hệ thống báo cháy tự động: đầu dò khói, đầu dò nhiệt, trung tâm báo cháy.
- Bình chữa cháy cầm tay: đặt tại các tầng, hành lang, khu vực công cộng.
- Họng nước chữa cháy trong nhà: dùng trong các tình huống khẩn cấp.
- Vòi phun tự động (sprinkler): lắp ở trần căn hộ, hành lang, tầng hầm.
Trung tâm điều khiển báo cháy cần được đặt tại phòng bảo vệ để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố. Các thiết bị này phải được kiểm định định kỳ và thay thế khi có dấu hiệu hư hỏng.
Cửa chống cháy và thang thoát hiểm
Cửa chống cháy và thang thoát hiểm là phần không thể thiếu trong hệ thống an toàn PCCC. Cửa chống cháy thường được lắp đặt tại các khu vực như lối vào thang bộ, hành lang chung, giúp ngăn lửa lan rộng khi xảy ra cháy. Loại cửa này phải có khả năng chịu nhiệt trong thời gian tối thiểu 60 đến 90 phút. Thang thoát hiểm phải được thiết kế kín có lối đi thông thoáng, không bị chiếm dụng làm kho chứa đồ hoặc để vật dụng cá nhân. Đồng thời, hệ thống chiếu sáng khẩn cấp và chỉ dẫn lối thoát hiểm cũng phải luôn trong tình trạng hoạt động tốt để hỗ trợ cư dân trong trường hợp mất điện.

Bảo dưỡng hệ thống PCCC
Việc bảo trì định kỳ hệ thống PCCC đóng vai trò quan trọng không kém so với việc lắp đặt ban đầu. Mỗi chung cư đều phải kiểm tra hoạt động của các thiết bị báo cháy, chữa cháy, thang thoát hiểm định kỳ (thường là 3 đến 6 tháng/lần). Ngoài ra, các thiết bị cần phải có tem kiểm định còn hạn sử dụng và hồ sơ bảo trì đầy đủ. Một hệ thống dù hiện đại đến đâu nhưng không được bảo trì đúng cách vẫn sẽ có thể trở nên vô dụng khi sự cố xảy ra.
Trách nhiệm PCCC của chủ đầu tư và ban quản lý
Trách nhiệm của chủ đầu tư
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thiết kế, thi công hệ thống PCCC đúng quy định, được nghiệm thu trước khi bàn giao. Bất kỳ sai sót nào trong giai đoạn này đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng khi xảy ra sự cố.
Trách nhiệm của ban quản lý tòa nhà
Ban quản lý chung cư có vai trò trực tiếp trong vận hành hệ thống PCCC: tổ chức bảo trì thiết bị, diễn tập PCCC, hướng dẫn cư dân sử dụng bình chữa cháy hoặc thang thoát hiểm khi cần thiết.
Cư dân cần làm gì để đảm bảo an toàn PCCC?
Ý thức cá nhân trong việc phòng cháy
Ý thức của cư dân là yếu tố then chốt trong công tác phòng cháy. Cư dân tuyệt đối không để vật dụng chắn lối thoát hiểm, không đốt vàng mã trong chung cư, không hút thuốc nơi công cộng hay tự ý đấu nối điện gây chập cháy. Mỗi người dẫn hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhưng thiết thực để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ trong chung cư - nơi mình đang sinh sống.
Trang bị kiến thức và kỹ năng xử lý cháy
Cư dân nên chủ động tìm hiểu và trang bị kiến thức PCCC cơ bản nhằm: nắm vững cách sử dụng bình chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm khi có khói, lựa chọn lối thoát gần nhất hay cúi thấp người khi di chuyển sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh và an toàn trong tình huống khẩn cấp. Việc tham gia các buổi diễn tập PCCC do ban quản lý tổ chức cũng là cơ hội để thực hành và nâng cao kỹ năng thực tế khi xảy ra sự cố.

Cách nhận biết một chung cư đạt chuẩn PCCC
Dựa vào hồ sơ pháp lý và nghiệm thu
Cách đơn giản nhất để đánh giá mức độ an toàn PCCC tại chung cư là yêu cầu kiểm tra giấy tờ pháp lý. Chung cư đạt chuẩn phải có giấy chứng nhận nghiệm thu hệ thống PCCC do cơ quan công an cấp. Ngoài ra, ban quản lý cần có hồ sơ quản lý thiết bị, biên bản kiểm tra định kỳ và nhật ký bảo trì đầy đủ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cư dân giám sát và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Quan sát thực tế tại tòa nhà
Cư dân có thể đánh giá hệ thống PCCC trực tiếp bằng mắt thường. Một chung cư an toàn sẽ có thiết bị báo cháy, chữa cháy được đặt đúng vị trí, có tem kiểm định còn hiệu lực, hành lang thông thoáng, thang thoát hiểm không bị khóa hoặc gây cản trở. Đặc biệt, các buổi diễn tập PCCC cần được tổ chức định kỳ, có sự tham gia đông đảo của cư dân là một chung cư đảm bảo PCCC theo quy định.
Kết luận: Hãy chủ động với an toàn PCCC – bảo vệ chính bạn và gia đình
An toàn PCCC là yếu tố không thể thiếu trong một môi trường sống bền vững, đặc biệt là tại các khu chung cư đông dân. Việc đảm bảo tiêu chuẩn PCCC không chỉ là trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý mà còn cần sự tham gia chủ động từ chính cư dân.

Hãy luôn nâng cao ý thức, trang bị kiến thức cần thiết và chủ động giám sát hệ thống PCCC tại nơi mình sinh sống. An toàn không thể chờ đợi – hãy hành động ngay từ hôm nay để bảo vệ chính bạn và gia đình.